Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Kim Đính - Huyện Kim Thành

23/4/2023  |  English  |  中文

Giới thiệu tổng quan - Xã Kim Đính

​​

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN XÃ KIM ĐÍNH

 

 *) Vị trí địa lý: Xã Kim Đính nằm ở phía Tây Nam, cách trung tâm hành chính của huyện Kim Thành 6km, được tiếp giáp với các địa ranh như sau:

   - Phía Bắc giáp xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành

   - Phía Nam giáp xã Bình Dân, huyện Kim Thành

   - Phía Tây giáp xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà

   - Phía Đông giáp xã Kim Tân, huyện Kim Thành.

   Xã có trục đường quốc lộ 17B, đường tỉnh lộ 390E, có Phà Giải là cầu nối về giao thông giữa hai huyện Kim Thành và huyện Thanh Hà, rất thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Diện tích tự nhiên: 729,91 ha. Trong đó đất nông nghiệp là: 418,27 ha, phi nông nghiệp 311,41 ha. Xã có 3 thôn với 2.359 hộ dân và 8.439 nhân khẩu (số liệu năm 2021)

    

   *) Lịch sử hình thành.

Xã Kim Đính ngày nay là do hai xã Phù Tải và Chuẩn Thằng xưa hợp thành. Cả hai xã này đều thuộc tổng Phù Tải, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Nằm trong địa bàn huyện Kim Thành, từ đầu công nguyên cho đến thời nhà Hồ (1400), đây là vùng đất Phí Gia thuộc Trà Hương. Thời nhà Minh xâm lược nước ta hai xã thuộc huyện Cổ Phí, châu Đông Triều, phủ Tân An. Đời Lê Quang Thuận, đặt huyện Kim Thành. Hai xã Phù Tải, Chuẩn Thằng chính thức thuộc huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Triều Tây Sơn (Quang Trung-1788) lại đem phủ Kinh Lệ vào trấn Quảng Yên. Do đó, một thời hai xã cùng thuộc trấn Quảng Yên. Năm Minh Mệnh thứ 14 (1834), hai xã này cùng với huyện Kim Thành thuộc phủ Kiến Thụy, sau đó một thời gian lại trở về thuộc phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, hai xã Phù Tải, Chuẩn Thằng hợp nhất thành xã Hưng Đạo, cuối năm 1955 đổi thành xã Kim Đính ngày nay.    

     *) Phát triển kinh tế - xã hội.  

   Là một xã thuần nông từ Nông nghiệp chuyển dần sang công nghiệp, dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên có sông và đường giao thông chính chạy qua thuận lợi việc giao thương hàng hóa, phát triển dịch vụ bến bãi, sản xuất kinh doanh...          

    Lực lượng lao động của xã cũng khá dồi dào với trên 4.000 lao động, trong đó phần lớn là lao động đang làm việc tại các công ty, nhà xưởng đóng trên địa bàn xã. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cũng phát triển khá mạnh với đa dạng các ngành nghề như: vận tải, cơ khí, mộc, nề, may mặc, kinh doanh tạp hóa, thức ăn chăn nuôi, buôn bán nhỏ… Kể từ khi xã Kim Đính được thành lập cho đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, từ một xã nghèo, thuần nông, ngày nay xã Kim Đính đã có một diện mạo mới. Đảng bộ xã hiện có 338 đảng viên, sinh hoạt ở 10 chi bộ (03 chi bộ nông thôn, 03 chi bộ trường học, 01 chi bộ Quân sự xã, 01 chi bộ Trạm y tế xã, 01 Chi bộ Công an xã và 01 chi bộ xưởng may Trần Thường). Trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của địa phương đều tăng từ 10%-12%/ năm, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Hệ thống đường giao thông nông thôn trong xã được bê tông hoá 100%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước. Xã đã đầu tư xây dựng Trụ sở làm việc, Nhà văn hoá trung tâm xã và 03 nhà văn hóa thôn, Trạm y tế, Nghĩa trang liệt sỹ, Trường học… khang trang, sạch đẹp. Trường Trung học cơ sở đạt chuẩn Quốc gia mức độ I, Trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ I xây dựng đạt chuẩn Quốc gia mức độ II, Trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ II; xã đạt chuẩn quốc gia về Y tế năm 2003 và đạt chuẩn Quốc gia theo tiêu chí mới năm 2014 cải tạo xây dựng Trạm Y tế đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế giai đoạn đến 2030, có 3/3 thôn đạt danh hiệu Làng văn hoá, 3/3 làng đạt Làng an toàn về ANTT.

    *Văn hóa: Nhân dân xã Kim Đính đại đa số là người Kinh theo đạo Phật, di tích văn hóa gồm Đình, Chùa và Miếu, cây đa, giếng nước, mái Đình là biểu tượng của làng quê Việt Nam, lễ hội Đình, Chùa được tổ chức long trọng vào dịp tết đến xuân về hàng năm các di tích lịch sử chứa đựng những tinh hoa, trí tuệ, tài năng, giá trị văn hóa, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làng quê bình an, hưng thịnh.

    *) Truyền thống cách Mạng:  

    Ngay sau khi Đảng ra đời, phong trào đấu tranh của cả nước và của Hải Dương diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ. Trong đó có Kim Đính. Tại Kim Đính, trong phong trào dân chủ những năm 1936-1939 dấy lên mạnh mẽ với nhiều hình thức như đọc sách báo tiến bộ và cách mạng; phong trào truyền bá Quốc ngữ; phong trào cải cách hương thôn. Cuối năm 1939, xứ ủy Bắc kỳ chủ trương thành lập các liên tỉnh ủy A, B, C; đường dây giao liên của tỉnh B hoạt động ngay trên đất Kim Thành đã tác động mạnh mẽ tới phong trào cách mạng của nhân dân Kim Thành. Dưới ánh sáng của đường lối đấu tranh cách mạng, bước đầu ảnh hưởng tới nhân dân hai xã (Phù Tải - Chuẩn Thằng), tạo cơ sở cho sự phát triển rộng rãi của phong tràoViệt Minh sau này.   

     Đêm ngày 09/3/1945, Nhật bất ngờ thực hiện cuộc đảo chính hất cẳng Pháp để độc chiếm Đông Dương. Nhân dân Kim Thành nói chung và nhân dân Kim Đính nói riêng, hưởng ứng Chỉ thị “Nhật Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta" của Ban thường vụ trung ương Đảng, đã nổi dậy mạnh mẽ chống phát xít Nhật với phong trào đánh chiếm kho thóc Nhật để chia cho dân nghèo.       

    Dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy và ủy ban Quân sự cách mạng đệ tứ chiến khu Đông Triều, Ban lãnh đạo Việt Minh huyện Kim Thành đã chủ động tích cực chuẩn bị cho việc khởi nghĩa cướp chính quyền ở huyện. Một kế hoạch khởi nghĩa nhanh chóng được bàn bạc và thống nhất. Ngày 14/8/1945, với danh nghĩa Việt Minh huyện đã cử người đến thuyết phục tri huyện Nguyễn Bích Liên đầu hàng. Trước khí thế vũ bão của phong trào quần chúng, tri huyện Kim Thành đã chấp nhận mọi điều kiện của Việt Minh và trao chính quyền cho cách mạng. Ngày 17/8/1945 Việt Minh Kim Thành tổ chức mít tinh mừng thắng lợi. Lực lượng thanh niên Phù Tải trong những ngày này được trao nhiệm vụ canh gác Huyện đường và Huyện đường đã trở thành nơi đóng trụ sở của chính quyền cách mạng, lực lượng Việt Minh và thanh niên Phù Tải - Chuẩn Thằng đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng tháng 8 ở huyện Kim Thành.         

    Tháng 02/1946 Ban lãnh đạo huyện Kim Thành quyết định cho thành lập Chi bộ Đảng tại xã Hưng Đạo gồm 03 đảng viên, là các đồng chí Tháp - đ/c Kiểu - đ/c Đích và do đồng chí Tháp làm bí thư. Sự ra đời của Chi bộ Đảng Hưng Đạo là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, nó không những đáp ứng yêu cầu trực tiếp lãnh đạo phong trào các mạng ở Hưng Đạo trước mắt mà còn đánh dấu từ hạt nhân này, Đảng bộ xã không ngừng phát triển và trưởng thành.  

      Sau khi được thành lập, chi bộ đã bắt tay vào việc lãnh đạo chính quyền và phong trào quần chúng. Căn cứ vào hoàn cảnh thực tế của xã, chi bộ đã chủ trương tiếp tục dựa vào sức mạnh đoàn kết toàn dân trong mặt trận Việt Minh xã để đấu tranh đánh bại mọi hoạt động của bọn phản động ở xã; kiên quyết đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, ngăn chặn tệ nạn cờ bạc, trộm cắp; thực hiện cuộc vận động nếp sống mới, xây dựng lực lượng của cách mạng.    

       Trong những năm 1946 - 1954, dưới sự lãnh đạo của chi bộ đã động viên được toàn thể nhân dân trong xã cùng nhau diệt “Giặc đói" với phong trào “Hũ gạo tiết kiệm"; “Tấc đất, tấc vàng" đã xóa đi nghèo đói trong dân; Với “Giặc dốt"  là phong trào “Bình dân học vụ", “người biết chữ dạy cho người không biết chữ, người biết chữ nhiều dạy cho người biết chữa ít" đã xóa đi nạn mù chữ trong dân...   

        Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ đầy khó khăn, gian khổ một số đảng viên, du kích bị sa vào tay giặc, cây đa xóm Đồng Xấc, cây đa bến Đò Giải, Đình Giải, Chợ Giải, Cầu Sái, Cầu Đầu là những nơi kẻ thù hành quyết những đảng viên cộng sản và cán bộ, du kích, nhân dân bằng nhiều hành động vô cùng dã man như chặt đầu, mổ bụng, moi gan, hất xuống sông hoặc treo người lên cành cây rồi xả súng bắn chết. Bằng những hành động này, địch nhằm làm nhụt ý chí kháng chiến của đảng viên, cán bộ và nhân dân. Nhưng hầu hết những ai bị sa vào tay giặc đều giữ vững ý chí kiên cường, bất khất đến hơi thở cuối cùng. Tiêu biểu như đồng chí Đồng Quốc Thuần bị địch bắt, tra tấn dã man chết đi sống lại nhưng vẫn không hề khai báo. Bất lực, chúng đã đổ dầu thiêu sống đồng chí. Hai đồng chí Nguyễn Văn Lai, Phạm Văn Thỏa là du kích bị địch khui trúng hầm bí mật đã anh dũng hi sinh không để rơi vào tay giặc... Cuộc chiến đấu của chi bộ đảng và nhân dân Hưng Đạo đã kết thúc thắng lợi góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký hiệp định Giơnevơ vào ngày 07/5/1954 chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên Chủ nghĩa xã hội làm hậu phương lớn vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.      

     Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân toàn xã vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đảng bộ và nhân dân Kim Đính tích cực hưởng ứng các phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", “Thanh niên ba sẵn sàng", “Phụ nữ ba đảm đang"..., Chắc tay súng, vững tay cày, vừa sản xuất vừa chiến đấu sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho miền Nam tiền tuyến đánh giặc, thống nhất non sông; có 80 người con Kim Đính đã hi sinh nằm lại trên các chiến trường miền Nam, đóng góp một phần xương máu vào sự nghiệp chiến đấu vĩ đại của dân tộc. Sự hi sinh của các đồng chí trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận và sự phấn đấu nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Kim Đính đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với đại thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.    

       Tổng kết hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Kim Đính có trên 900 người tham gia bộ đội, thường trực chiến đấu, có 140 người con ưu tú của quê hương đã anh dũng chiến đấu hi sinh hiến chọn cuộc đời mình cho dân tộc, hàng trăm người trở thành thương binh, bệnh binh; Toàn xã có 26 bà mẹ được truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng; Đảng bộ và nhân dân Kim Đính được Nhà nước tặng thưởng 04 Huân chương (01 Huân chương kháng chiến Hạng nhì, 01 Huân chương kháng chiến Hạng 3, 02 Huân chương lao động Hạng 3), gần 200 bằng, giấy khen và trên 100 cờ thi đua, hàng trăm chiến sĩ quyết thắng, chiến sĩ thi đua được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen của các cấp. Xã Kim Đính được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2016, hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới nâng cao và đã được công nhận năm 2020 và đang hoàn thiện nâng cao các tiêu chí phấn đấu về đích Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024./.